Popular Posts

Ngành Y : Đầu vào lệch chuẩn, đầu ra thả nổi



Thực trạng khó khăn về cơ sở vật chất đề cập trong bài trước chưa đủ lý giải vì sao chất lượng đào tạo y khoa giảm sút. Theo nhiều nhà chuyên môn, chuẩn mực đào tạo y khoa đang có vấn đề, bởi nếu không thì không thể lý giải tại sao đầu vào trường y là những người ưu tú của trường phổ thông (đạt điểm cao ngất ngưởng trong thi tuyển), nhưng khi ra trường lại là những… sản phẩm trung bình của trường đại học.

Đào tạo nhân lực y khoa: Đầu ra đi xuống

Chuẩn đầu vào chưa chính xác

 

Sinh viên y khoa đại học Y dược TP.HCM tham gia Càphê khoa học, một hoạt động nhằm kích thích tinh thần tranh luận và tư duy sáng tạo.

Hỏi B., sinh viên y khoa năm thứ 5, khi em đang thực tập tại bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM, vì sao chọn học ngành y, em trả lời: “Đó là một nghề kiếm ra tiền và được xã hội tôn trọng. Thật tình em chọn học là như thế chứ không lý tưởng gì đâu”. B. không phải cá biệt. Một giảng viên đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết hàng năm trường cũng thăm dò ý kiến sinh viên về động cơ học y khoa, nhìn chung các em chọn học vì truyền thống gia đình, theo gợi ý của người thân, bè bạn hoặc muốn kiếm được nhiều tiền và nổi tiếng.

Theo BS Đỗ Hồng Ngọc, chủ nhiệm bộ môn khoa học hành vi – giáo dục sức khỏe đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cách tuyển chọn người học y khoa chỉ dựa vào điểm thi như hiện nay không đánh giá được toàn diện con người sinh viên học y. Ông phân tích: “Thi đại học y chỉ cần ba môn toán, hóa và sinh. Nhưng theo tôi cần phải thi thêm ngoại ngữ và làm một bài tự luận với một câu hỏi mở chẳng hạn như “vì sao chọn con đường làm nghề y?”, và nếu cần cũng phải qua một vòng phỏng vấn để qua đó biết được người học có thể trở thành một bác sĩ tốt sau này hay không”. Ông Ngọc cho biết, thời ông vào học y khoa nửa thế kỷ trước, tuy không phải làm bài tự luận hay phỏng vấn nhưng thi bốn môn lý, hóa, sinh, ngoại ngữ, và trả lời 20 câu hỏi về kiến thức xã hội tổng quát. “Một bác sĩ giỏi cũng phải là người có kiến thức văn hóa rộng, hiểu về lịch sử, địa lý, âm nhạc, văn học… và biết quan tâm đến cuộc sống con người, nếu không thì họ chỉ là những thợ mổ hay thợ chữa bệnh”.

Đề nghị tuyển chọn đầu vào học y khoa của BS Đỗ Hồng Ngọc đã được nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng, nhưng các trường nước ta chưa mặn mà hoặc không được trao quyền để tuyển chọn những người học xứng đáng.

BS Nguyễn Minh Trí Viên, viện Tim TP.HCM, cũng cho rằng cần có một chuẩn đầu vào phù hợp với ngành y. “Học y khoa phải có tinh thần “sinh ra để phục vụ” thì mới theo đuổi được ngành này và trở thành một thầy thuốc tốt”, ông nói.

Chuẩn đầu ra chưa có

Trong khi đại học y khoa nước ta chưa có được chuẩn đầu vào như nước ngoài, thì chuẩn đầu ra nhiều trường còn chưa xây dựng được.

TS Thái Hồng Hà, trưởng phòng quản lý đào tạo đại học Phạm Ngọc Thạch, cho biết cách đây hai năm trường mới ban hành chính thức chuẩn đầu ra cho sinh viên. Trước đó cũng có nhưng chỉ nhà trường và sinh viên… hiểu ngầm với nhau! Đại học Y dược TP.HCM lại khác, năm qua trường mới tổ chức cho một nhóm cán bộ chủ chốt đi tham quan vài đại học y khoa tiên tiến của thế giới để về xây dựng chuẩn đào tạo đầu ra.

Theo một nhà giáo dục y khoa, cách đào tạo y khoa nước ta hiện nay là chỉ tập trung trong bệnh viện, sinh viên học về bệnh và luân phiên đi thực tập các khoa phòng chứ không được học khám ngoại trú, và không biết gì những vấn đề sức khỏe của cộng đồng bên ngoài nên khi ra trường họ không đáp ứng được yêu cầu làm việc. Hỏi TS Thái Hồng Hà liệu có độ vênh nào giữa đào tạo và thực tế bên ngoài hay không, ông trả lời: “Để trả lời cần phải nghiên cứu, nhưng cho đến nay chưa ai làm điều này. Nếu nghiên cứu được thì rất tốt, vì nếu có độ vênh nhà trường phải điều chỉnh lại chuẩn đầu ra cho phù hợp nhu cầu của xã hội”.

Giảng viên chưa được đãi ngộ tương xứng

Thực trạng đào tạo y khoa hiện nay không tách rời vai trò của giảng viên. Trao đổi với người viết, nhiều người trong số họ băn khoăn về cuộc sống vật chất so với những đồng nghiệp làm việc ở bệnh viện. Một tiến sĩ biên chế đại học Y dược TP.HCM cho biết thu nhập của ông chỉ tròm trèm 3 triệu đồng/tháng, trong khi nếu là biên chế của bệnh viện ông được gấp đôi. Thu nhập thấp, nên không ít giảng viên đại học y khoa phải cải thiện cuộc sống bằng nhiều hình thức khác nhau, từ tranh thủ mổ dịch vụ cho đến đi báo cáo cho các hãng dược. “Mỗi bài báo cáo được trả 5 – 10 triệu đồng, chứ trông vào đồng lương giảng dạy thì không thể sống được”, một tiến sĩ ngành tim mạch chia sẻ.

Giảng viên không chuyên tâm vào giảng dạy, sinh viên bơ vơ khi học là điều đương nhiên. X., sinh viên y khoa năm thứ 5, nói mặc dù trên nguyên tắc sinh viên thực tập ở bệnh viện phải có giảng viên đi theo, nhưng nhiều hôm em và các bạn phải “học chay” vì giảng viên vắng mặt hoặc đi trễ về sớm.

Theo BS Đỗ Hồng Ngọc, trong đào tạo y khoa, thực hành là chuyện rất quan trọng vì thế cần phải có những người chuyên dạy thực hành ở bệnh viện và trả lương thật cao để họ tâm huyết giảng dạy. Éo le thay, ở nước ta thực hành y khoa lại không được đánh giá cao bằng lý thuyết, vì một giờ giảng lâm sàng chỉ được tính công bằng… nửa giờ dạy trên lớp!

bài và ảnh: Phan Sơn

(còn tiếp)

 

Chất lượng học tập làm sao đây?

Sau khi đăng bài 1 với tựa đề Chạy theo chỉ tiêu... bác sĩ, báo Sài Gòn Tiếp Thị đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi. Chúng tôi xin chọn đăng ý kiến tiêu biểu sau đây:

“Mình hiện là sinh viên năm 4 một trường đại học y khoa. Năm của mình vào trường tuyển 360 chỉ tiêu, tới năm nay đã gần 650... Thật không thể tin nổi! Quả thật sinh viên tụi mình không thể hiểu nổi tại sao lại tăng nhanh số lượng đến vậy, liệu có chất lượng hay không?

Thật sự, việc tăng chỉ tiêu gây bao khó khăn cho sinh viên tụi mình. Thứ nhất là không có chỗ gửi xe: 1 giờ 30 học, chỉ cần 1 giờ 25 tới bãi giữ xe gần trường đã để bảng hết chỗ. Thứ hai: sinh viên tăng nhưng diện tích thư viện vẫn như thế, trong khi sinh viên y cần lắm một chỗ học bài yên tĩnh, và có không gian học tập. Thứ ba: hai năm trước chuyện nghỉ trưa ở trường còn dễ dàng, bây giờ không kiếm được một chỗ nằm nghỉ. Thứ tư: rất nhiều thầy cô trường mình than thở sao đông quá, vậy chất lượng học tập làm sao đây?”

Xanh lu lơ


Nguồn: sgtt.vn




Share your views...

0 Respones to "Ngành Y : Đầu vào lệch chuẩn, đầu ra thả nổi"

Đăng nhận xét

 

© 2010 Xem điểm thi đại học 2012

Design by: Linhpn